086 842 1386

CÁC NGUYÊN TẮC TRONG GIAO KẾT HƠP ĐỒNG LAO ĐỘNG

  •   Quy định về nguyên tắc giao kết hợp đồng của pháp luật lao động

Nguyên tắc giao kết hợp đồng của pháp luật lao động được quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động 2012  bao gồm:

1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực;

 2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội

  •   Bình luận về quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động

Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là (những) tư tưởng chỉ đạo phải tuân theo trong toàn bộ quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và người lao động. Tinh thần của nguyên tắc nêu trên còn được vận dụng trong quá trình thực hiện, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động.

Bộ luật Lao động năm 2012 lần đầu tiên quy định trực tiếp về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động. Các nguyên tắc này bao gồm:

Thứ nhất, nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực

Tự nguyện là một trong những nguyên tắc quan trọng để khẳng định hợp đồng lao động là kết quả thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động, không bên nào ép buộc bên nào giao kết hợp đồng lao động sự tự nguyện chính là biểu hiện của yếu tố “tự do” của các chủ thể phù hợp với pháp luật. Nguyên tắc này cũng là một trong những cơ sở quan trọng ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng lao động và giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Bình đẳng là nguyên tắc khẳng định vị thế ngang nhau của người sử dụng lao động và người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Thực hiện nguyên tắc này giúp phòng tránh việc người sử dụng lao động lợi dụng “sức mạnh” và vị thế của mình để áp đặt đối với người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, bình đẳng giữa hai bên khi giao kết hợp đồng lao động chỉ là sự bình đẳng tương đối, bởi dù sao người lao động chỉ đứng ở vị trí của người đi làm thuê, ngay cả trong giai đoạn giao kết hợp đồng lao động. Việc tôn trọng, thực hiện nguyên tắc bình đẳng không ảnh hưởng đến quyền quyết định của người sử dụng trong việc tuyển dụng hay không tuyển dụng người lao động vào làm việc.

Thiện chí, hợp tác và trung thực chính là điều quyết định việc người sử dụng lao động và người lao động xích lại với nhau, cùng nhau đồng thuận để thiết lập và duy trì quan hệ lao động bằng cách giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. Thiện chí biểu hiện cách đối xử tốt đẹp, chân thành với nhau; hợp tác là thể hiện sự phối hợp cùng nhau trong thỏa thuận, bàn bạc giải quyết vấn đề; và trung thực thể hiện sự tin tưởng và thái độ tích cực. Khi không có thiện chí và không muốn hợp tác thì sẽ không có việc giao kết hợp đồng lao động. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu các bên không còn thiện chí và không muốn tiếp tục hợp tác cũng là lúc quan hệ lao động sẽ đi vào chỗ bế tắc và đổ vỡ.

Dưới góc độ pháp luật lao động, đây là nguyên tắc thể hiện một cách sinh động và là sự cụ thể hóa một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Lao động: Nguyên tắc đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc của công dân. Nguyên tắc tự do, tự nguyện biểu hiện về mặt chủ quan của hai bên tham gia giao kết hợp đồng lao động, có nghĩa rằng khi tham gia giao kết hợp đồng lao động các chủ thể hoàn toàn tự do về mặt ý chí và tự nguyện về mặt lý trí, theo đó, mọi hành vi cưỡng bực, lừa dối… đều dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu.

Thứ hai, nguyên tắc không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội

Không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội là yêu cầu tất yếu trong việc giao kết hợp đồng lao động. Nguyên tắc này liên quan nhiều đến việc xác định các nội dung thỏa thuận đưa vào hợp đồng khi giao kết hợp đồng lao động. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác có liên quan và lợi ích chung của xã hội. Thực hiện nguyên tắc này cho thấy, mặc dù hợp đồng lao động là kết quả của sự tự do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng sự tự do ở đây là có giới hạn. Giới hạn đó là chính là chuẩn mực tối thiểu về quyền (ví dụ: quy định về lương tối thiểu, thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu…), tối đa về nghĩa vụ (ví dụ: quy định về thời giờ làm việc tối đa…) của người lao động được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, là những điều cấm của pháp luật vì lợi ích của chính các bên và  lợi ích chung của xã hội (ví dụ: quy định về cấm người sử dụng lao động giữ bản chỉnh giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ của người lao động; cấm người sử dụng lao động buộc người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc bằng tài sản khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động…), những chuẩn mực về đạo đức xã hội…

Tóm lại, giao kết hợp đồng lao động là giai đoạn đầu tiên thể hiện sự hợp tác của các bên để đi đến sự thống nhất ý chí nhằm xác lập quan hệ lao động. Do vậy, quá trình xác lập hợp đồng lao động cũng là quá trình để các bên tìm hiểu, đánh giá về nhau một cách trực tiếp từ đó lựa chọn và ra quyết định chính thức. Mặt khác, quan hệ lao động có được hình thành có bền vững hay không, quyền và lợi ích của các bên có được đảm bảo hay không, phụ thuộc vào giai đoạn này. Vì vậy, để xác lập được quan hệ lao động hài hòa, ổn định trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, các bên phải tuân thủ các nguyên tắc khi giao kết hợp đồng lao động.

Hy vọng một số chia sẻ trên của Luật Thùy Dương giúp ích được cho quý khách hàng.

Trân trọng !

  • Email: thuyduong1tv.company@gmail.com
  • Văn phòng giao dịch: P 1207 Tòa 14B2 Khu đô thị Nam Trung Yên, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
  • Trụ sở: Lô 12 LK7 khu đô thị Văn Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội
Chat Zalo