Những điểm mới của nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics.
Những điểm mới của nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics.
Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2017 có hiệu lực từ ngày 20/02/2018, đồng thời thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics; với 3 chương 8 điều (thay cho 4 chương 12 điều trong Nghị định 140).
So với Nghị định 140/2007/NĐ-CP, Nghị định 163/2017/NĐ-CP có những điểm mới đáng lưu ý sau đây:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng
Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định “Nghị định này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và các tổ chức, cá nhân có liên quan”, trong khi Nghị định 140/2007/NĐ-CP lại quy định cụ thể là ” thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động liên quan đến dịch vụ lô-gi-stíc”.
Như vậy, Nghị định 163/2017/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng áp dụng ra các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Thứ hai, nếu như Nghị định 140 phân loại dịch vụ logistics thành 3 nhóm trong đó có nhiều dịch vụ thì Nghị định 163 quy định cụ thể 17 loại hình dịch vụ logistics để tiện cho công tác quản lý.
Thứ ba, về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics
Nghị định 140/2007/NĐ-CP yêu cầu thương nhân kinh doanh các dịch vụ logistic chủ yếu phải có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu nhưng Nghị định 163/2017/NĐ-CP không nêu yêu cầu này mà để các văn bản pháp luật chuyên ngành của từng loại dịch vụ quy định chi tiết.
Nghị định 163 cũng quy định cụ thể các Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics (Khoản 3 Điều 4), trong đó, có nội dung nổi bật là: Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp theo tỷ lệ khi kinh doanh dịch vụ logistics liên quan đến vận tải (quy định hiện hành chỉ cho phép thành lập công ty liên doanh).
Thứ tư, về Giới hạn trách nhiệm
Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định cụ thể: Giới hạn trách nhiệm là hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics theo quy định tại Nghị định này.
Trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thoả thuận. Trường hợp các bên không có thoả thuận thì nếu khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường. Nếu khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
Thứ năm, Nghị định 163 đã bỏ Chương 3 về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trong Nghị định 140, thay vào đó giao cho “Bộ Công thương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định” này và không nêu tên cụ thể các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền liên quan.