0979720286

Chia tài sản chung khi nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định như thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Tôi và chồng tôi sống chung với nhau gần 30 năm nay và cũng có 2 đứa con. Gần đây vợ chồng tôi hay xảy ra mâu thuẫn, chồng tôi thường xuyên đánh đập tôi và đốt đồ đạc của tôi cùng với đó là đuổi tôi đi. Đến thời điểm hiện tại tôi muốn ly hôn với chồng tôi nhưng chúng tôi vẫn chưa có giấy đăng ký kết hôn nhưng lại có sổ hộ khẩu chung trong sổ hộ khẩu có ghi rõ vợ chồng tôi và con của chúng tôi. Vậy xin nhờ luật sư tư vấn giúp trường hợp của tôi không có giấy đăng ký kết hôn nhưng lại có sổ hộ khẩu thì có giải quyết ly hôn được không và nếu ly hôn thì những tài sản trong đó được chia ra sao. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư.

Trả lời:  Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn và chồng bạn chung sống với nhau gần 30 năm và có 2 người con tức là bạn và chồng bạn về chung sống với nhau sau ngày 3/1/1987, bạn và chồng bạn chung sống với nhau cho đến thời điểm hiện tại vẫn không đăng ký kết hôn nên mối quan hệ vợ chồng này không được pháp luật công nhận, căn cứ khoản 3 Nghị quyết 35/2001/NQ-QH10:

“3. Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau:

a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;

b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;

c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.”

Như vậy quan hệ giữa bạn với chồng bạn ở đây chỉ được coi là quan hệ nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nên nếu bạn có đơn yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, quan hệ tài sản được giải quyết theo quy định tại Điều 15, 16 Luật hông nhân và gia đình 2014:

“Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

  1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Tài sản chung của bạn và chồng sẽ được chia theo thỏa thuận giữa các bên, trường hợp khôgn thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 về chia tài sản thuộc sở hữu chung, việc giải quyết này phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập. Điều 219 BLDS 2015 quy định về việc chia tài sản thuộc sở hữu chung như sau:

“Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung

  1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
  2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

Như vậy, khi bạn chấm dứt quan hệ chung sống như vợ chồng với chồng bạn, không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung và có yêu cầu Tòa án chia tài sản thì tài sản chung được tạo lập trong quá trình chung sống của hai người sẽ được chia cho các bên tương ứng với công sức đóng góp của các bên vào khối tài sản chung đó, trường hợp nếu tài sản không chia được bằng hiện vật thì bạn có quyền yêu cầu chồng mình thanh toán cho mình giá trị phần tài sản tương ứng hoặc ngược lại. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

 

 

 

 

 

Chat Zalo