Bản tin pháp luật ngày 25/7/2021
Sau đây là một số văn bản mới nổi bật mà LUẬT THÙY DƯƠNG đã cập nhật được từ ngày 19/7 – 25/7/2021
1. Các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc
Đây là nội dung tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021 quy định từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể:
– Mức lương theo công việc hoặc chức danh:
+ Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động;
+ Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
– Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên:
+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
– Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.
2. Ca làm việc của NLĐ trong hầm lò không quá 9,5 giờ/ngày
Ngày 16/7/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 04/2021/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò.
Theo đó, thời giờ làm việc của người lao động trong hầm lò được quy định như sau:
– Ca làm việc của người lao động trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 01 ngày.
– Thời giờ làm việc của người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 42 giờ trong 01 tuần.
Thông tư 04/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.
3. Thắt chặt quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo.
Theo đó, Nghị định 70/2021 quy định người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ:
– Quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo;
– Quy định về an ninh mạng;
– Quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
– Phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Hiện hành, hoạt động trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Nghị định 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/9/2021
4. Tái cấp vốn cho NHCSXH để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn
Đây là nội dung tại Thông tư 10/2021/TT-NHNN ngày 21/7/2021 về tái cấp vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021.
Theo đó, thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội như sau:
– Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng.
– Lãi suất tái cấp vốn:
+ Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.
+ Lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.
– Thời hạn tái cấp vốn:
+ Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
+ Thời hạn tái cấp vốn nêu trên được áp dụng đối với từng lần giải ngân theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 10/2021.
+ Thời hạn giải ngân tái cấp vốn tính từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/12/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước.
Thông tư 10/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 21/7/2021